Bác Hồ muôn vàn kính yêu từng căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” đó là nhiệm vụ thiêng liêng cao quý mà xã hội tin tưởng và giao phó cho đội ngũ các nhà giáo.
Thực hiện lời dạy của Người, tôi nhận thức sâu sắc rằng đối với tự mình phải không ngừng trau dồi đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ; phải yêu nghề, yêu trường; phải hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục kiến thức và đạo đức cho học sinh; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết, hăng hái để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Trải qua gần 30 năm công tác, được phân công phụ trách bộ môn Địa lý, một bộ môn được coi là môn phụ như quan niệm của một số nguời. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ tràn đầy trong tâm huyết, tôi vượt qua khó khăn và bây giờ có thể tin rằng mình đã thành công, đã làm đúng những lời Bác dạy. Rất nhiều những buổi trưa, khi sân trường vắng lặng thì trong phòng học vẫn có một cô, một trò miệt mài dạy học quên cả cái đói, cái mệt và thời gian. Thế rồi niềm vui đã đến với tôi, nhiều học sinh như em Nguyễn Thúy Nga, Dương Thị Thúy Tâm, Đinh Thị Bích Huệ, Đặng Thị Mười... học sinh của trường Trung học cơ sở Phúc Lợi đã trở thành là học sinh giỏi xuất sắc môn địa lý, và bây giờ đang là sinh viên giỏi của một số trường đại học được nhà nước cử đi đào tạo ở nước ngoài. Sự thành công của các em có một phần nhỏ bé của tôi, điều đó càng làm tôi vui sướng, hạnh phúc.
Trong gia đình, tôi là người phụ nữ không may mắn bởi chồng tôi qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Tâm trạng buồn chán, thậm chí tuyệt vọng. Nhờ sự sẻ chia của nhà trường, của bạn bè, đồng nghiệp, người thân và các em học sinh đã giúp tôi gượng dậy, vượt qua khó khăn, làm tròn đạo nghĩa với gia đình, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, dạy dỗ học sinh. Cũng thời gian đó, tôi đã giúp em Đặng Thị Mười đạt danh hiệu học sinh giỏi môn Địa lý cấp Thành phố.
Tôi yêu học sinh như con, và các em cũng coi tôi như người mẹ thứ hai của mình. Cho nên, mỗi giờ lên lớp, hay tiếp xúc với các em, tôi đều chia sẻ, gửi gắm kiến thức mình biết, nhưng không quên dạy bảo, ân cần các em những hành vi sâu sắc về đạo đức, lòng trung thành, đức tính trung thực... Với việc làm đó, Tôi thật cảm động khi em Dương Thị Thúy Tâm tặng tôi Hộp ước với lời cầu chúc: Con tặng cô Hộp ước này để cầu mong tất cả những điều tốt đẹp nhất của cuộc đời sẽ đến với cô, để mọi mong ước của cô sẽ trở thành hiện thực và không bao giờ phải buồn khổ nữa! Món quà có giá trị đạo đức trong sáng của con trẻ giờ vẫn còn ấm áp trong tôi. Em Đinh Thị Bích Huệ (khoá 2004-2008) chia sẻ với tôi: Khi mới vào lớp 6, giờ học đầu tiên, qua lời giới thiệu của cô, con biết cô cũng tên là Huệ, con đã sung sướng vô cùng... rồi qua mỗi tiết dạy của cô, con như được du lịch khắp đó đây qua từng trang sách nhỏ, con đã thực sự hứng thú với những tiết dạy của cô và con yêu thích bộ môn Địa lý do cô phụ trách. Năm học 2007 - 2008, em Huệ đã đạt giải nhì học sinh giỏi môn Địa lý cấp Thành phố.
Những lời căn dặn của Bác Hồ về sự nghiệp trồng người luôn ở trong tôi, luôn là niềm tin đối với cán bộ, giáo viên trường Trung học cơ sở Phúc Lợi, tôi tự hào là đã đóng góp phần nho nhỏ của mình vào thành tích chung của nhà trường. Tỷ lệ đạo đức khá, tốt trong học sinh tăng lên 98,1%, không có học sinh đạo đức yếu kém; không có học sinh vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội. 71,53% học sinh xếp loại văn hoá khá, giỏi; 83,15% học sinh đượcvào các trường THPT hệ công lập, 19 HS đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Quận, 4 học sinh giỏi cấp Thành phố ở các bộ môn: Địa lý, vẽ kỹ thuật, giải toán trên mạng Internet. Các phong trào TDTT cũng đạt kết quả tốt: giải nhất toàn đoàn giải chạy báo Hà Nội mới, huy chương bạc Hội khoẻ Phù Đổng Thành phố. Xếp thứ 2/15 khối các trường THCS với 4 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại A gửi lên Thành phố ở các bộ môn Địa lý của cô giáo Lê Thị Huệ, môn lịch sử của cô giáo Nguyễn Thị Điệp, môn vật lý của cô giáo Đặng Thị Tuyết Nhung và môn hoạt động ngoài giờ lên lớp của cô giáo Nguyễn Thị Minh Thuý....
Những gì tôi và tập thể giáo viên trường THCS Phúc Lợi đã làm được còn khiêm tốn cũng như ngành giáo dục nước nhà còn nhiều việc phải làm. Nhưng tôi thiết nghĩ nếu mỗi giáo viên đều thực hiện tốt theo lời Bác Hồ dạy, nhận thức sâu sắc rằng: nghề dạy học là một nghề cao quý trong những nghề cao quý để từ đó hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp trồng người thì xã hội ta sẽ tươi đẹp biết bao./.
Phạm Bạch Đằng BTGQU |